PHẦN I – VAI TRÒ CỦA TỪ VỰNG
Từ vựng là một trong ba yếu tố cốt lõi làm nên một ngôn ngữ. Nếu ví phát âm như là chiếc áo xinh đẹp, ngữ pháp là chất vữa kết dính, thì từ vựng chính là nguyên liệu chính – từng viên gạch nhỏ, tạo nên một ngôi nhà ngôn ngữ hoàn chỉnh. Thiếu đi nó, bạn không thể nói thành câu, thậm chí không biết diễn đạt ý muốn giao tiếp của mình như thế nào. Không có từ vựng, ngôn ngữ của bạn không hoàn chỉnh. Bạn đâu thể dùng ngôn ngữ cơ thể như những đứa trẻ truyền đạt điều chúng muốn phải không?
PHẦN II – HIỂU ĐÚNG VỀ CÁCH HỌC TỪ VỰNG
Có thể bạn đã từng nghe qua nhiều phương pháp, thử nhiều cách thức, từ học qua flash cards, phim ảnh, chép một danh sách các từ mỗi ngày và tụng ngày này qua ngày khác, sử dụng phần mềm, ứng dụng học từ vựng, nhưng vẫn cảm thấy thiếu thiếu gì đó hoặc không mấy hiệu quả, theo được một thời gian ngắn rồi nản chí bỏ dở giữa chừng. Những gợi ý dưới đây có thể đem lại câu trả lời cho nỗi băn khoăn của bạn.
- Từ vựng đơn lẻ là từ vựng chết. Nếu bạn học một danh sách từ vựng dài mà không ôn đi ôn lại thường xuyên, một điều chắc chắn là bạn sẽ lãng quên đi chúng nhanh chóng. Những từ vựng đơn lẻ, không theo một chủ đề hoặc được liên kết theo bảng chữ cái chẳng hạn (ví dụ danh sách 3000 từ vựng thông dụng), dù bạn có kiên trì tụng kinh đến bao nhiêu lần, tốc độ bạn thẩm thấu và nhớ được chúng rất hữu hạn. Chưa kể nó khá khô khan và không khiến bạn có động lực tụng nó mỗi ngày. Nên chìa khóa ở đây là: từ vựng được liên kết theo nhóm.
- Từ vựng chủ động thay vì từ vựng thụ động. Trong kỹ năng nói, hoặc trong giao tiếp thực tế hàng ngày, thứ ngôn ngữ hay từ vựng bạn thường nói là gì? Không phải là từ vựng cá nhân hóa của bạn sao? Vậy thay vì mất nhiều thời gian để tích lũy nhiều từ mới không liên quan hoặc chưa cần thiết lắm cho bản thân, tại sao bạn không tập trung vào những nhóm từ vựng bạn có cơ hội đối mặt với nó hàng ngày, trong cuộc sống, trong công việc của bạn? Thường thì mục tiêu khi học tiếng Anh mình nghe các bạn chia sẻ rằng “Mình/anh/chị/em muốn giao tiếp trong công việc, giao tiếp thông dụng hàng ngày.” Để rút ngắn được thời gian tích lũy và ứng dụng hiệu quả những từ bạn học, hãy chủ động tạo ra kho từ vựng của riêng bạn theo mục tiêu giao tiếp cụ thể.
- Học từ vựng không chỉ đơn thuần là chỉ học nghĩa. Từ quá trình tiếp xúc với từ mới đến bước vận dụng chúng nhuần nhuyễn trong giao tiếp thực tế, bạn cần đầu tư vào nhiều khía cạnh xung quanh một từ hơn là chỉ biết nghĩa của chúng. Không như cách học truyền thống trước đây, chỉ cần liệt kê một bên là từ tiếng Anh, một bên là nghĩa tiếng Việt (mình cũng có thời gian từng ngây ngô áp dụng phương pháp này, xong mình cũng bỏ cuộc), một cách học toàn diện mới đảm bảo bạn nhớ và sử dụng được từ vựng. Mục tiêu của phương pháp này là làm sao để bạn hiểu về nó một cách rõ ràng và đầy đủ nhất để có thể sử dụng nó chính xác và hiệu quả. Những khía cạnh bạn cần đầu tư đó là gì?
PHẦN III – HỌC TỪ VỰNG LÀ HỌC NHỮNG GÌ?
- Pronunciation (Phát âm)
- Dictation (Chính tả)
- Part of Speech (Từ loại)
- Meaning (Nghĩa)
- Practice & Use (Thực hành và ứng dụng)
————————————-
-
Pronunciation (phát âm)
Hệ quả của việc đọc bừa hay không được hướng dẫn kỹ từ khi chúng ta còn ngồi trên ghế nhà trường nó ảnh hưởng đến tận bây giờ. Sửa lại những thói quen cố hữu đi cùng chúng ta theo năm tháng nó thực sự không phải dễ và cần rất nhiều nỗ lực.
Trong bài định hướng phát âm (tham khảo thêm tại đây) mình cũng đã chỉ ra tầm quan trọng và những yếu tố ảnh hưởng đến tiếng Anh của bạn nếu xem nhẹ yếu tố này. Biết một từ mà chỉ biết qua loa, không đọc đúng, người ta nói cũng không nghe được, rồi nó cũng sẽ bỏ bạn đi sớm, chẳng thèm ở lại trong đầu bạn đâu.
Khi gặp một từ mới, bắt buộc bạn phải tìm cho ra được phiên âm của nó nếu bạn chưa có khả năng tự đoán, bằng cách tra từ điển và tìm cách bắt chước cách đọc đúng. Dĩ nhiên nếu bạn chưa biết cách đọc âm, bạn phải tìm một nguồn hoặc một người thầy hướng dẫn trước. Nhưng người đó chỉ giúp đỡ bạn giai đoạn đầu và giúp bạn có khả năng tự tìm hiểu. Không ai có thể hỗ trợ bạn cả đời được, nên bạn phải tự bước trên chính đôi chân của mình, hay tìm ra cho mình một người bạn đồng hành mãi mãi. Từ điển đó, còn ai có thể khiến bạn tin cậy hơn nó? Thầy cô dạy bạn cũng có lúc sai, cũng nhiều từ họ không biết chắc. Chúng ta đang học ngôn ngữ thứ hai, một nguồn kiểm chứng chính thống là một chỗ dựa vững chắc nhất, cho bất kể người học ở cấp cơ bản hay nâng cao. LÀM BẠN VỚI TỪ ĐIỂN MỖI NGÀY, LÀ BẮT BUỘC nếu bạn còn học tiếng Anh.
Người bạn Từ điển mình khuyên bạn nên xài mỗi ngày đây: https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/
Ngoài lợi ích từ phát âm, bạn sẽ khám phá ra được rất nhiều điều hay ho khác có lợi cho con đường tự học và tự kiểm chứng được tiếng Anh của mình, vậy thì còn lý do gì mà không tận hưởng nó đúng không nào?
-
Dictation (chính tả)
Chính tả chính là cách viết của một từ, cách các chữ cái ghép với nhau, hay cách bạn đánh vần một từ cho người khác nghe. Nếu bạn biết từ vựng và bạn viết chúng ra một cách dễ dàng, ứng dụng tiếng Anh trong kỹ năng viết của bạn có phải cũng dễ dàng không? Ngoài ra, trong bài viết định hướng lộ trình học phát âm (tham khảo tại đây), mình cũng có nhắc tới lợi ích của việc nắm rõ chính tả của một từ, khả năng cảm âm của bạn sẽ tăng lên đáng kể (nhờ mối liên hệ mật thiết và có nhiều tương đồng giữa chữ cái và âm).
-
Part of speech (từ loại)
Cũng giống như tiếng Việt, trong tiếng Anh cũng có nhiều từ loại khác nhau: danh từ, tính từ, động từ, trạng từ, liên từ,… Tiếng Anh mang trong mình “quyền lực to lớn” và được đón nhận rộng rãi trên toàn thế giới một phần cũng nhờ sự đóng góp đáng kể của ngữ pháp chặt chẽ của nó, trong đó có cả sự rõ ràng về từ loại. Vì thế, nếu bạn vẫn còn đang mơ hồ về từ loại, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn khi ghép câu và diễn đạt ý của mình đúng ngữ pháp. Khi học một từ, dù là nghĩa cơ bản nhất, bạn cần hiểu nó đang ở dạng từ gì, để vừa nhớ từ sâu hơn, vừa chuẩn bị cho việc vận dụng ngữ pháp để ghép câu, vẹn cả đôi đường.
-
Meaning (nghĩa)
Bởi vì chúng ta đang học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, chúng ta phải dựa trên hệ quy chiếu về vốn từ tiếng Việt của mình. Nói nôm na là chúng ta phải “chuyển ngữ”, nhưng không phải chỉ chuyển một chiều Anh – Việt. Trái lại, khi học một từ bạn cần biết và luyện tập nghĩa cả hai chiều. Ví dụ, bạn cần biết “table” là “cái bàn”, và “cái bàn” là “table”. Chiều Anh – Việt sẽ giúp bạn NGHE và ĐỌC hiểu khi gặp từ này. Còn chiều ngược lại sẽ giúp bạn NÓI và VIẾT được khi muốn nhắc đến nó.
Bằng cách nào bạn lấy được nghĩa của một từ? Có rất nhiều công cụ tùy theo sở thích và khả năng tiếp thu của từng người, các bạn có thể chọn cho mình một nguồn hứng thú hoặc tập hợp đầy đủ theo nhóm từ vựng như khuyến khích mình viết ở trên. Cùng với đó áp dụng một hay nhiều cách kết hợp dưới đây, mục tiêu cuối cùng là làm sao nhớ được từ đó, với càng nhiều ấn tượng và ký ức về nó, để khi cần thì có ngay là được.
Các công cụ phổ biến giúp bạn nhớ được nghĩa của một từ bao gồm:
- Dictionaries & Flash cards (các loại từ điển và thẻ học từ vựng)
- Dictionaries: từ điển Oxford mình đề xuất phía trên là một gợi ý. Hoặc các bạn có thể dùng thêm Longman, Cambridge,…những nguồn uy tín.
- Flash cards: mua những bộ có sẵn hoặc tự tạo cho mình (khuyến khích hơn vì từ vựng chủ động tốt hơn thụ động)
- Pictures (tranh ảnh minh họa)
- Tận dụng Google hình ảnh mỗi khi tra từ
- Từ điển hình ảnh của Oxford (Oxford Picture Dictionary) (rất nên mua): Link mua sách: https://bitly.com.vn/qcsk91
- Mimes (điệu bộ, cử chỉ, ngôn ngữ hình thể): tận dụng ngôn ngữ cơ thể để minh họa cho các từ bạn đang học sẽ giúp ghi nhớ từ vựng sinh động hơn. Sao không thử tài sáng tạo của bạn bằng cách vẽ thêm bên cạnh từ/cụm từ bạn học một hình vẽ ngộ nghĩnh gợi nhớ nghĩa của nó nhỉ?
- Movies/videos/songs (bao gồm điệu bộ, cử chỉ, ngôn ngữ hình thể và ngữ cảnh): công cụ này không chỉ đơn thuần là cứ nghe, xem nhiều thì từ vựng biến thành của mình. Một bộ phim/videos để đạt hiệu quả tốt nhất thậm chí các bạn phải xem đi xem lại nhiều lần, vừa xem vừa phân tích để hiểu nghĩa. Ưu điểm của công cụ này là nó cung cấp cho các bạn ngữ cảnh rõ ràng hơn cùng hình ảnh, diễn xuất sinh động.
-
Practice & Use (Thực hành và Sử dụng)
Để sử dụng được một từ vựng trong giao tiếp, bạn cần tất cả 4 yếu tố trên và kèm thêm 3 thứ này:
- Grammar rules (các quy tắc ngữ pháp): bạn phải hiểu được để ghép câu cần tuân theo những bước như thế nào, trật tự từ và cách kết nối các từ vựng đơn lẻ với nhau như thế nào.
- Collocations (những từ đi kèm với một từ vựng): hơi khác so với việc dùng ngữ pháp thông thường để kết nối những từ vựng đơn lẻ, trong tiếng Anh có những từ phải đi với nhau mới tạo thành nghĩa bạn cần chính xác, mặc dù khi đứng riêng chúng mang nghĩa khác hoàn toàn. Ví dụ “take a taxi” là “bắt xe taxi”, “take an exam” là “tham gia một kỳ thi”, “make progress” là “tiến bộ”,… Collocations là những từ được kết hợp với nhau, thường gặp trong một ngôn ngữ.
- Context (ngữ cảnh nó được sử dụng): để sử dụng được một từ/một cụm từ chính xác, chúng ta cần đến ngữ cảnh, hay hiểu nôm na là nói chúng ở chủ đề gì, hoàn cảnh như thế nào để đảm bảo về mặt nghĩa phù hợp.
PHẦN IV – CẦN ĐẦU TƯ CHO VIỆC HỌC TỪ VỰNG NHƯ THẾ NÀO?
Để rút ngắn thời gian và công sức, chúng ta sẽ xác định một lộ trình và mục tiêu giao tiếp rõ ràng, từ đó sẽ xác định được số lượng từ vựng cần thiết cho từng giai đoạn.
Hãy nghĩ về việc ứng dụng thực tế trong cuộc sống của bạn, từ đó xác định những chủ đề gì bạn cần phát triển dựa trên bối cảnh của bản thân.
- Mục tiêu: có thể giao tiếp thông dụng và ứng dụng tiếng Anh trong công việc hiệu quả trong vòng 1 năm.
- Số lượng chủ đề gợi ý: 50 chủ đề, giả dụ đặt mục tiêu 1 tuần bạn hoàn tất được 1 chủ đề, vậy trong vòng 1 năm bạn có thể hoàn thành 48 chủ đề, mình tính tròn 50 chủ đề cho dễ nhớ.
- Thời gian thực hiện mỗi chủ đề: trong vòng 1 tuần. Tại sao mình lại đề xuất 1 chủ đề/tuần? 1 tuần này bao gồm cả việc thu gom từ vựng và chuẩn bị cho bài nói của bạn, bao gồm cả việc đặt câu hỏi, câu trả lời, luyện tập phát âm, chỉnh sửa câu cú và thực hành nhiều lần. Trong từng chủ đề bạn phải thể hiện hết ý của bản thân một cách trọn vẹn và đầy đủ thông tin. Đây giống như công đoạn chuẩn bị và thực hành trước ở nhà để khi ra thực tế, bạn đã có sẵn đồ chơi, chỉ việc chơi và cọ xát thực tế để củng cố lại vốn giao tiếp của bạn. Mỗi chủ đề giải quyết dứt điểm trong vòng 1 tuần để sang chủ đề khác, kiểu học như cuốn chiếu vậy.
- Phân bổ thời gian trong tuần: mỗi bạn sẽ có một khung thời gian biểu và ý thức dành cho việc học tiếng Anh khác nhau, phần từ vựng để chuẩn bị cho bài nói chỉ là một trong những công đoạn trong tổng thể lộ trình. Sau khi bạn đọc hết các bài chia sẻ định hướng cho từng kỹ năng, mình sẽ hướng dẫn bạn thiết lập một thời gian biểu cụ thể cho bản thân.
- Nội dung từ vựng cho các chủ đề: xuất phát từ hướng khai thác tất cả những thông tin bản thân rồi mở rộng về gia đình – xã hội, những gì bạn đang sử dụng thực tế hàng ngày BẰNG TIẾNG VIỆT. Tất tần tật mọi thứ và phải lấy THÔNG TIN THỰC CỦA BẠN, ví dụ
- Chủ đề 1: thông tin bản thân bao gồm những gì
- Chủ đề 2: miêu tả cụ thể về nơi bạn đang sống
- Chủ đề 3: miêu tả cụ thể về công việc của bạn
- Chủ đề 4: miêu tả cụ thể về thói quen ăn của bạn
- Chủ đề 5: miêu tả cụ thể về thói quen uống của bạn
- Chủ đề 6: miêu tả cụ thể về thói quen ngủ của bạn
- Chủ đề 7: miêu tả cụ thể về thói quen tập thể dục của bạn
- …
Chủ động chuẩn bị chính là chìa khóa giúp bạn rút ngắn mục tiêu, tránh đi lòng vòng và “bơi” không biết đích đến. Cùng với đó, số lượng chủ đề chi tiết và kế hoạch cụ thể mới khiến bạn dễ đo lường và thấy rõ kết quả để có động lực tiến tới.
Trên đây là toàn bộ lộ trình tổng quát về việc học từ vựng.Trong phần định hướng lộ trình Speaking và các phần hướng dẫn cụ thể, mình sẽ đi cùng bạn trong từng chủ đề, gợi ý cách lấy ideas để khai thác đầy đủ thông tin. Và dĩ nhiên, theo sát và chỉnh sửa những gì bạn thực hành nữa chứ. Cùng đón chờ nhé, my friends! 😀