PHẦN I – MỤC TIÊU KHI LUYỆN NGHE

     Trong giao tiếp thực tế, có thể đoán ý hay nghe hiểu toàn bộ  người nói và phản ứng lại với bất kỳ câu nào trong cuộc hội thoại luôn là mục tiêu hàng đầu của bất cứ ai học tiếng Anh. Để làm được chuyện đó, người nghe không những phải có một nền tảng phát âm tốt – hiểu rõ và phát âm ở mức chuẩn mực để nghe được từng âm, hiểu rõ những thói quen và đặc điểm trong cách nói của họ như nối, lược âm, giọng vùng miền, ngữ điệu – mà còn phải vận dụng tối đa vốn từ của mình cũng như thông hiểu ngữ pháp để nắm được trọn vẹn ý nghĩa trong câu của người nói.

      Dĩ nhiên để đạt tới mức nghe hiểu toàn bộ và giao tiếp hiệu quả như thế này, chúng ta cần phải phát triển qua nhiều bước về mọi mặt, từ phát âm, từ vựng, cho đến ngữ pháp. Nhưng hãy lấy đó làm mục tiêu khi luyện nghe của chúng ta, để làm thước đo đánh giá sự tiến bộ cũng như biết mình đang thiếu sót cần cải thiện điều gì các bạn nhé.

PHẦN II – CÁC VẤN ĐỀ VỚI VIỆC LUYỆN NGHE

        Trước khi đi vào phần hướng dẫn cách nghe, hãy tìm hiểu qua các trở ngại khiến chúng ta nghe không hiểu hoặc không đạt được hiệu quả. Những lý do chính chúng ta thường gặp là:

  • Phát âm không đúng: đây có lẽ là yếu tố lớn nhất gây cản trở khi chúng ta nghe người khác nói. Chữ “đúng” ở đây hiểu theo khía cạnh là cách phát âm chuẩn “quốc tế” của những từ mà chúng ta nghe được. Nghĩa là cách được phần đông người sử dụng tiếng Anh chấp nhận là đúng với tiêu chuẩn, đại diện như cách nói theo phiên âm chúng ta hay tra trong từ điển Anh-Anh có uy tín (tham khảo tại đây https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/). Lấy ví dụ: tên của bạn là “Hoàng”, mà người khác lại đọc thành “Hiền”, thì hai bên không hiểu nhau là điều chắc chắn. Tương tự, ví dụ trong tiếng Anh có từ “wear” /weə(r)/, bạn đọc thành như từ “we” /wi/, thì lúc nghe họ nói chắc chắn bạn không hiểu được. Bởi thế, phát âm là thứ bắt buộc và nên ưu tiên học trước khi đi vào luyện nghe.
  • Chưa quen với sự khác biệt về âm tiết giữa 2 ngôn ngữ: tiếng Việt của chúng ta là ngôn ngữ đơn âm (1 chữ là 1 âm tiết), trong khi đó tiếng Anh có cả từ đơn âm và từ đa âm (2, 3, 4, 5). Ở giai đoạn đầu, chúng ta dễ gặp phải trạng thái nghe người ta nói mà tai lùng bùng lùng bùng 1 chùm không hiểu gì cả, thậm chí ngay cả khi viết câu đó ra trước mặt thấy chẳng có từ nào lạ. Ví dụ: trong tiếng Việt câu “Món này ngon.” chỉ có 3 từ được phát ra với 3 âm tiết “món”, “này”, “ngon”; trong tiếng Anh vẫn ý đó, “It is delicious.” có tới tận 5 âm tiết được phát ra – “it”, “is”, “de”, “li”, “cious”. Điều này chúng ta phải làm quen dần và tách mình ra khỏi thói quen nói đơn âm như tiếng Việt.
  • Chưa quen với cách nói nối, lược âm, cách nhấn và ngữ điệu của người bản xứ: trong tiếng Việt, chúng ta chẳng bao giờ phát âm âm đuôi của 1 từ, vì thế rất ít trường hợp chúng ta nối 2 từ với nhau. Trong tiếng Anh, điều này xảy ra rất thường xuyên. Ví dụ câu “She is a student.” sẽ ít khi nào được nói tách ra giữa chữ “is” và “a”, mà chúng được nối vào với nhau thành /zə/, khiến chúng ta nghe và lầm tưởng nó là một chữ nào đó khác. Ngoài ra, ngữ điệu hay cách lên xuống trong từ, trong câu cũng gây ảnh hưởng đến khả năng nghe hiểu của chúng ta. Có những âm được  nhấn, có những âm không quan trọng bị lướt nhanh hoặc đọc nhẹ nhàng nghe như không có. Tất cả những khía cạnh này chúng ta cần hiểu về chúng trước khi đi vào luyện nghe, để rút ngắn thời gian mày mò và ngẫm để hiểu. Các phần này chúng ta sẽ được tìm hiểu trong các bài chi tiết trong phần hướng dẫn học phát âm cụ thể nhé.
  • Tốc độ của người nói: một trở ngại khiến chúng ta không xử lý thông tin kịp là khi người khác nói quá nhanh. Điều này có thể do thói quen của người đó hoặc họ diễn đạt một ý rất dài mà chúng ta không theo kịp. Chưa kể họ vừa nói nhanh vừa nối nữa thì quả là một thử thách lớn.
  • Chưa quen với giọng người nói: ở nhà khi chúng ta luyện nghe được nghe những nguồn chính thống được thiết kế giọng chuẩn Anh – Mỹ nghe rõ được từng chữ, nhưng ra ngoài thực tế, mỗi người sẽ có chất giọng khác nhau, cấu tạo thanh quản khác nhau, có người giọng trầm, giọng thanh, giọng cao,… cần 1 chút thời gian để chúng ta quen với giọng của họ mới nghe ra được. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến chất lượng nghe của chúng ta như người đó đang bị bệnh, người đó nói giọng thì thào, giọng không có cảm xúc, xung quanh đang có tiếng ồn,… Chưa kể một yếu tố gây oái oăm nhất là họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nói tiếng Anh theo những cách khác nhau, bị ảnh hưởng bởi chính tiếng mẹ đẻ của họ. Đây có lẽ là điều gây ức chế nhất khi giao tiếp với những người này. Bởi thế cho nên chúng ta mới có tiếng Anh – Ấn, Anh – Thái, Anh – Hàn, và thậm chí là Anh – Việt.
  • Thiếu từ vựng: đây là vấn đề rất quan trọng, nếu chúng ta chưa rành được một số khác biệt trong phát âm chúng ta còn có thể đoán đoán được ý người nói dựa vào vốn từ của mình. Nhưng nếu vốn từ quá nghèo nàn thì rất khó để chúng ta đoán được trọn vẹn ý của người nói, dù cho người đó có nói chậm thế nào đi nữa. TỪ VỰNG cũng là 1 trong 3 yếu tố cốt lõi chúng ta phải xây liên tục nếu muốn sử dụng tiếng Anh. Vì vậy, trau dồi và thực hành từ vựng là một việc bắt buộc phải làm đều đặn. Tham khảo định hướng học từ vựng cho giao tiếp tại đây.
  • Chưa thông hiểu ngữ pháp và các cấu trúc câu: nếu chúng ta nắm vững ngữ pháp, việc hiểu được trọn vẹn ý của người nói sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Có những trường hợp chúng ta phải dựa vào nó để đoán ý của họ, như về thì – họ đang hỏi về một việc gì đó ở hiện tại, trong quá khứ, hay tương lai; họ đang nói ý của câu ở dạng chủ động hay bị động; họ đang ám chỉ ai; cấu trúc câu đó đi với từ này mang nghĩa này, đi với từ khác mang nghĩa khác,… rất nhiều yếu tố ngữ pháp dù nhỏ nhưng khiến cho nghĩa của câu thay đổi hoàn toàn. NGỮ PHÁP cho nên đóng vai trò là chân kiềng thứ 3 trong các yếu tố cốt lõi của tiếng Anh bài bản mà chúng ta cần hiểu và rèn luyện. Tham khảo định hướng học ngữ pháp – ghép câu tại đây.

PHẦN III – GIẢI PHÁP

        Hiểu được tất cả những khó khăn ở trên kia rồi thì chúng ta đi tìm giải pháp xử lý thôi. Các gợi ý dưới đây sẽ giúp các bạn tiến bộ và giải quyết từng khó khăn một.

  • Tìm hiểu cách phát âm đúng trước.
  • Luyện tập cho quen với cách ngắt nghỉ nhịp, khoảng cách giữa 2 từ trong câu của người nói.
  • Đặt mục tiêu nghe hiểu, phân tích và ngẫm ra được những chỗ nào người bản xứ hay nối, lược âm.
  • Nghe theo trình tự, giáo trình nghe được thiết kế phù hợp với cấp độ người học. Người mới bắt đầu thì chưa thể nào nghe những video trên Youtube như Ted Talks hay các chương trình mà tốc độ của người nói nhanh cũng như chủ đề quá dài và khó.
  • Trước tiên chúng ta luyện tập nghe với các giọng chuẩn Anh – Mỹ trước để quen với cách người bản xứ nói, khi trình độ nghe hiểu ở mức cao hơn mới mở rộng ra nghe đa dạng các giọng khác, ứng với các giọng thực tế chúng ta sẽ tiếp xúc trong đời thực.
  • Trau dồi từ vựng liên tục theo chủ đề, từ cơ bản cho đến nâng cao, nắm rõ cách phát âm của từng từ cả về số âm tiết lẫn dấu nhấn.
  • Tìm hiểu ngữ pháp, cách ghép câu hỏi và câu trả lời, phát triển song song với việc học từ vựng và luyện nghe.  

PHẦN IV – LỘ TRÌNH LUYỆN NGHE

Bước 1: Ưu tiên luyện tập phát âm trước khi vào luyện nghe.

Tham khảo lộ trình học phát âm tại đây.

Bước 2: Lựa chọn giáo trình phù hợp cho người mới bắt đầu.

Giáo trình gợi ý: Tactics for Listening (gồm 3 cấp độ Basic – Developing và Expanding). Mỗi cấp độ gồm 24 chủ đề, bao quát tất cả những chủ đề thông dụng từ cơ bản đến nâng cao trong cuộc sống hàng ngày như nghe tên, tuổi, số, thông tin cá nhân, sở thích, thói quen, các tình huống rất gần với cuộc sống của người Việt. Tham khảo mục lục sách Basic dưới đây:

Sách hiện có bán tại các nhà sách Fahasa có kèm CD hoặc có mã code link tải file nghe (Phiên bản mới nhất).

 

 

       Hoặc phiên bản cũ có kèm script (phần lời thoại trong các file nghe). Hệ thống nhà sách Nguyễn Văn Cừ còn bán nhưng CD đã hết sản xuất cho phiên bản này. Các bạn có thể ra nhà sách mua sách giấy về và download file nghe tại đây. Hoặc tải file sách PDF về và in màu ra cho dễ học.

Bước 3: Lập bảng theo dõi danh sách chủ đề.

Bạn có thể tham khảo bảng dưới đây:

STT CHỦ ĐỀ NỘI DUNG KỸ NĂNG
1 Names and Titles o Nghe tên

o Cách đánh vần

o Chức danh

o Nghe đoán tên

o Cách hỏi và trả lời về tên, họ, tên đệm

2 Describing people o Miêu tả người

o Miêu tả ngoại hình

o Nghe miêu tả về tuổi tác, chiều cao, tóc

Bước 4: Chia việc luyện nghe thành 2 bước.

Luyện nghe – Thực hành nói. Mục tiêu trong mỗi phần cần đạt được là:

    • INPUT (thu thập dữ liệu đầu vào) – LISTENING COMPREHENSION AND COLLECTING VOCABULARY & STRUCTURES: nghe hiểu về chủ đề đó người ta nói gì, nói như thế nào, phát âm ra sao, tổng hợp những từ và cấu trúc câu đã biết, thu gom những từ vựng nào mới, những từ nào người ta hay nói trong chủ đề đó và câu hỏi và trả lời thường gặp trong chủ đề. Ví dụ chủ đề 3 là Clothes, các bài nghe trong đó sẽ cung cấp từ vựng về các loại quần áo chúng ta hay mặc hàng ngày, cấu trúc câu hỏi và nói khi ai đó đang mặc gì, những từ mới mà chúng ta chưa biết ngoài nhóm từ vựng chính trong chủ đề, như tính từ miêu tả đồ vật (màu sắc, chất liệu,…).
    • OUTPUT (sản xuất dựa trên những gì đã thu thập) – SPEAKING: sau khi đã thu gom đầy đủ chất liệu, chúng ta chắc chắn phải sản xuất ra thành ngôn ngữ của mình, để vừa nói về người khác và nói về bản thân bạn (yêu cầu ỨNG DỤNG ĐƯỢC trong cuộc sống THỰC của bạn).

Bước 5: Thực hành nghe theo từng bước.

Luyện nghe

  • Bước 1: nghe làm bài tập trong sách. Nghe lần 1 tự do để xem hiểu được bao nhiêu phần. Nếu vẫn chưa hiểu nghe lại lần 2, lần 3. Vừa nghe vừa ghi chú lại những từ khóa mình nghe được bằng phương pháp tốc ký – chỉ ghi những ký hiệu hoặc chữ cái đầu một cách nhanh chóng của những từ khóa, không ghi những từ đệm nhỏ lẻ thiên về ngữ pháp như mạo từ, giới từ,….
  • Bước 2: nghe đối chiếu lại đáp án của mình chọn và đáp án trong sách.
  • Bước 3: nghe nhìn script (phân tích, ghi chú lại những chỗ chưa nghe được (phát âm, từ mới, chỗ họ đọc nối, đọc tắt).
  • Bước 4: nghe và nhại lại nguyên bài (luyện tập phát âm, ngữ điệu).

Luyện nói

  • Bước 1: Nhận diện – gạch chân những câu hỏi và câu trả lời chính trong chủ đề.
  • Bước 2: Hiểu – Phân tích lại để hiểu cấu trúc câu đó cũng như cách sử dụng từ vựng trong câu.
  • Bước 3: Vận dụng – Tập hỏi và trả lời theo mẫu câu trong sách. Hỏi bản thân và trả lời theo thông tin cá nhân thực tế. Lập thêm một số câu hỏi phụ dựa vào các từ khóa What, where, when, why, how, who để đào sâu vào chủ đề. Trong một bài nghe chi tiết mình sẽ hướng dẫn cụ thể bạn phần này.

Bước 6: Thường xuyên kiểm tra và đối chiếu.

Kiểm tra lại phát âm của mình (phần cốt lõi nhất là 44 âm xem đã đọc tròn hay chưa), điểm danh lại từng chủ đề xem mình đã có thể giao tiếp ở mức nào, hỏi đáp cơ bản hay đã có thể đào sâu nhiều hơn, số lượng từ vựng mình có nhớ được hầu hết chưa.

PHẦN V – PHẢI LUYỆN NGHE TRONG BAO NHIÊU LÂU?

      Nếu bạn làm theo lộ trình này và luyện tập hết 3 cấp độ của bộ giáo trình này (Basic – Developing – Expanding), với mỗi cấp độ, bạn có 24 chủ đề, tổng cộng lại bạn có tất cả là 72 chủ đề, một con số khổng lồ. Nó lớn hơn cả số chủ đề mình định lượng cho lộ trình học từ vựng theo chủ đề của bạn. Tham khảo lại tại đây. Cho nên vốn từ, khả năng nghe hiểu và vận dụng vào giao tiếp của bạn sẽ bao quát được hầu hết chỉ với 3 quyển này. Khi đó, giao tiếp với bạn là một việc cực kỳ thoải mái, gặp chủ đề nào bạn cũng có thể giao tiếp được, trong đời sống thật của mình, cả trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân. Ngoài việc luyện nghe theo giáo trình chính như thế này, bạn cũng có thể tận hưởng thêm việc nghe các nguồn ngoài khác mà các bạn thích hoặc cần thiết cho công việc của các bạn. Cũng có thể bạn thích xem phim, nghe nhạc, nhưng mình không khuyến khích các bạn học theo hướng đó, bởi vì sẽ cần phải cân nhắc đến nhiều thứ có tác động đến độ hiệu quả của nó. Mình tách biệt giữa hai phần: luyện nghe để giao tiếp và luyện nghe để thư giãn, giải trí là hai việc khác nhau.

      Lộ trình này tùy bạn sắp xếp theo thời gian biểu và kế hoạch của mình. Nhưng yêu cầu phải đều đặn và kiên trì. Bạn có thể dành ra thời gian 1 ngày 1 tuần hoặc 2, 3, 4 ngày. Nếu 1 ngày không đủ học và thực hành hết 1 bài bạn phải tăng số giờ học của ngày đó hoặc tăng thêm 1 ngày nữa. Mình lấy phép tính đơn giản với con số tối thiểu nhất: 1 tuần bạn có 1 chủ đề – 72 chủ đề bạn mất 18 tháng – 1,5 năm. 2 chủ đề 1 tuần – 72 chủ đề bạn mất 9 tháng – chưa tới 1 năm. Phải, chưa tới 1 năm để bạn thông hiểu và vận dụng được tiếng Anh trong cuộc sống của mình một cách thoải mái.

      Bên cạnh đó, bạn cũng có thể lên danh sách chủ đề cho việc học từ vựng và phát triển kỹ năng nói dựa vào mục lục các chủ đề trong 3 quyển này. Nếu vậy chúng ta sẽ phát triển được song song cả 3 kỹ năng 1 lúc: từ vựng, nghe và nói. 9 tháng để phát triển tiếng Anh bao quát gần như mọi chủ đề thông dụng, đủ vốn liếng để gọi là bạn có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ thứ 2 rồi. Vậy thì còn lý do gì mà bạn chưa bắt đầu lên lộ trình cho bản thân mình?

      Dĩ nhiên trong quá trình luyện nghe các bạn sẽ gặp nhiều khó khăn một chút, cụ thể như: đầu tiên bạn sẽ phải học phát âm, và được chỉnh sửa để hiểu thế nào là phát âm đúng. Thứ hai là trong quá trình nghe có nhiều chỗ các bạn nghe không ra nhưng phân tích rồi vẫn chưa ngẫm ra được hoặc hiểu chỗ đó có khúc mắc gì. Những lúc đó rất khiến các bạn nản chí, vậy thì sao? Mình ở đây, người hướng dẫn và dẫn dắt cho các bạn. Những bài đầu còn bỡ ngỡ và chưa quen, mình sẽ cầm tay các bạn đi từng bước, để sau khi kết thúc khoảng 2, 3 bài, các bạn có thể tự bước đi, và phải như vậy thì mới tiến bộ nhanh được. Học trò chủ động là một người đạt được thành quả nhanh nhất. Cố lên nhé!