PHẦN I – MỤC TIÊU CỦA VIỆC LUYỆN NÓI
Mục tiêu chúng ta đặt ra và mong đợi cho kỹ năng nói của mình thường là:
- Giao tiếp thường ngày: để ứng dụng trong những tình huống thực tế như gặp gỡ trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp đến từ nước ngoài; phục vụ cho những chuyến du lịch của mình mà không cần đến hướng dẫn viên du lịch; xem phim, đọc báo hay các nguồn giải trí bằng tiếng Anh; gặp gỡ những vị khách nước ngoài vô tình gặp chúng ta thăm hỏi điều gì đó; tra cứu hay hiểu được những tài liệu phục vụ cho cuộc sống thường ngày của chúng ta,…
- Ứng dụng trong công việc: sử dụng tiếng Anh để truyền đạt, trao đổi, thể hiện bản thân và kết nối trong môi trường làm việc quốc tế.
Có thể nói giao tiếp thông dụng chiếm đến 70% nội dung trong các cuộc hội thoại. Chúng chỉ khác biệt với giao tiếp trong công việc ở một số yếu tố về từ vựng cũng như văn phong khi nói. Trong quá trình làm việc ở nhiều môi trường có yếu tố nước ngoài, hay khi tìm tòi các nguồn tài liệu bằng tiếng Anh, bản thân mình thấy rằng người bản xứ khi nói họ cũng dùng những từ và cấu trúc câu rất phổ biến và đơn giản, dù họ đang nói về một vấn đề phức tạp.
Vì lý do đó, mình cũng khuyến khích các bạn ưu tiên phát triển phần giao tiếp thường nhật này ở mức độ đủ sâu và bao quát. Khi đó bạn ứng dụng qua công việc hay các mục tiêu khác sẽ dễ dàng hơn rất nhiều (ví dụ như thi lấy các chứng chỉ, tham gia một buổi hội thảo chuyên sâu, tìm tòi các tài liệu cao cấp hơn cho công việc của mình, hay thậm chí trao đổi trong giao thương, đàm phán, diễn thuyết,…). Một lý do nữa, như mình cũng chia sẻ trong bất cứ cách học kỹ năng nào, đó là chúng ta nên ưu tiên phát triển theo trình tự và hiểu điều gì là cần thiết nhất cho từng giai đoạn. Vững cái nền và nắm được cái cốt lõi, phát triển từ trong ra ngoài mới đảm bảo sự phát triển bền vững và gặt hái được nhiều thành công hơn. Nhớ nhé!
PHẦN II – NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI LUYỆN NÓI
Sau đây là những điều chúng ta nên quán triệt trước khi bắt tay vào thực hiện lộ trình này. Phần này nhớ đọc chậm để chúng khắc sâu vào tâm trí cũng như làm kim chỉ nam cho bạn trong suốt quá trình luyện tập nhé.
- Xuất phát điểm và thiên phú của người học: dù bạn học tiếng Anh đã lâu hay mới bắt đầu, dù bạn có thiên phú về ngôn ngữ hay không, yếu tố tiên quyết là KIÊN TRÌ và TẬP TRUNG. Xuất phát điểm chưa có gì nhưng liên tục tìm tòi, trau dồi và luyện tập sẽ đi nhanh hơn rất nhiều so với một thái độ hời hợt và qua loa vì ỷ là mình có thiên phú.
- Thời lượng dành ra để luyện tập: mình biết người lớn thì bận rộn. Tuy vậy, các bạn phải dành ra thời gian cố định mỗi tuần, ít nhất là 2-3 ngày, mỗi ngày ít nhất 1-2 giờ. Và thực sự gắn mình vào thời gian biểu đó, chỉ để luyện tiếng Anh. Hãy ví trình nói của bạn như một ly nước, bạn phải tích lũy từng giọt từng giọt một cho đến khi nó đủ đầy để bạn có thể giao tiếp ổn.
- Kết hợp phát triển song song với các kỹ năng khác: tích lũy từ vựng và nghe những tài liệu tương tự chủ đề nói; phát triển song song ngữ pháp – ghép câu để hiểu được và tự vận hành câu của mình cho chính xác (cả hỏi và trả lời); viết những gì mình nói và nói những gì mình viết (phát triển đồng bộ cả 2 dạng để phục vụ tốt nhất cho cuộc sống và công việc).
- Tập trung luyện nói có định hướng: đặt ra mục tiêu từ đầu là mình phải phát triển đến cấp độ nào. Bao quát được bao nhiêu chủ đề, bao nhiêu chủ đề trong cuộc sống và bao nhiêu chủ đề trong công việc hiện tại cần phát triển. Trong mỗi chủ đề mình sẽ đào sâu bao nhiêu.
- Đa dạng trong cách luyện tập: sẽ không có một cách nào là đúng và hiệu quả tuyệt đối khi tự bản thân mình chưa thử và kiểm chứng qua. Nếu cách này không hiệu quả, chúng ta cần tìm xem vấn đề nó đang nằm đâu, cần điều chỉnh hay thay đổi như thế nào, từ đó tìm ra được cách phù hợp và hiệu quả với bản thân nhất.
- Luôn luôn theo dõi và đối chiếu lại những gì mình đã làm được và những gì chưa hoàn thiện hay còn mắc lỗi. Có bảng theo dõi từng kỹ năng và chủ đề một cách chi tiết để biết rõ mình đang yếu ở đâu và cần luyện tập điều gì.
- Quyết tâm luyện tập và ý thức chỉnh sửa cho bằng được những lỗ hổng/lỗi sai của mình. Đặt mục tiêu phải đạt được mức tiêu chuẩn nhất định trong từng câu nói. Bạn nên quan niệm rằng, nói một câu đơn giản nhưng hoàn chỉnh và chính xác cả về phát âm và ngữ pháp cũng là nói được tiếng Anh.
- Luôn đặt câu hỏi, thắc mắc và phản biện để tìm ra chân lý cũng như tiêu chuẩn để củng cố hệ thống của mình. Một lần nữa, người học trò chủ động là người gặt hái được nhiều thành công nhất, bỏ xa những học trò thụ động, ỷ lại. Thậm chí người đó có thể không tin những gì người hướng dẫn nói, dám phản biện lại người hướng dẫn để tìm ra chân lý.
- Cọ xát thực tế để biết được mình đang ở đâu trong tiến trình phát triển – trao đổi trực tiếp với một người nước ngoài. Sẽ có một rào cản tâm lý bước đầu khi bạn gặp một người nước ngoài trực tiếp. Bạn sẽ ú ớ, sẽ quên những gì mình được học, nhưng rồi bạn sẽ vượt qua được điều đó sau nhiều lần như vậy. Bạn sẽ nhận ra cũng không có gì là nghiêm trọng, thậm chí còn rất thoải mái và nhẹ nhàng. Vì suy cho cùng, là những con người với nhau, khi nghe một người ở một đất nước xa lạ học cách nói ngôn ngữ của mình, chúng ta sẽ có cảm giác rất đáng quý chứ không dò xét hay xem thường đâu. Cho nên, mình khuyến khích ở giai đoạn luyện tập, các bạn cứ thoải mái trao đổi với họ nếu có bất kỳ cơ hội nào, dù lúc đó trình tiếng Anh của bạn vẫn còn í ẹ. Chứ để vào công việc thì sẽ hơi áp lực và ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc.
- Điều cuối cùng, không có khái niệm giao tiếp thành thạo, mà phải là “có thể diễn đạt được bất kỳ ý gì mình muốn”. Đó mới là mục tiêu giao tiếp của một người học một ngôn ngữ thứ hai. Bằng cách này hay cách khác, dùng từ vựng khác, cấu trúc khác, miễn là diễn tả được điều mình muốn nói và đạt được sự thông hiểu trong cuộc hội thoại mới là điều quan trọng.
PHẦN III – LÊN LỘ TRÌNH
Bước 1: Lập bảng theo dõi phát triển kỹ năng nói theo chủ đề. Tham khảo mẫu theo dõi dưới đây:
Bước 2: Lên danh sách chủ đề cụ thể cùng mục tiêu trong một thời gian nhất định. Phần này các bạn có thể tham khảo lại cách lên chủ đề theo nhóm từ vựng mình có gợi ý trong bài này. Hoặc bạn có thể tham khảo mục lục chủ đề theo như 3 quyển sách luyện nghe Tactics for Listening. Dưới đây là mục lục quyển 1 – Basic.
Giả sử bạn đặt mục tiêu 1 tuần là 2 chủ đề, thì chúng ta sẽ có bảng sau đây:
Bước 3: Luyện tập theo từng bước với mỗi chủ đề
- BRAINSTORM – Suy nghĩ và động não về chủ đề mình đang cần nói.
- KEY WORDS – Liệt kê các từ khóa/ý chính khi nói về chủ đề đó. Hình dung và mường tượng trước những ý tưởng hay trao đổi ngoài đời thực về chủ đề. Nó giúp giải quyết tình trạng thiếu ý, không biết hỏi hay nói gì trong một chủ đề của bạn. Bước này nên lập theo sơ đồ tư duy trong tập hoặc viết riêng ra một tờ ghi chú và dán vào đầu trang đang luyện tập chủ đề đó.
Hình minh họa:
- EXPRESS IDEAS IN FULL SENTENCES – Tập nói ra những ý tưởng đó bằng ngôn ngữ mẹ đẻ bằng câu hoàn chỉnh (theo kiểu đối thoại – hỏi và trả lời). Chúng ta có thể xem thực tế ngoài đời, nếu nói về chủ đề này, chúng ta thường diễn đạt những ý đó như thế nào? Bước này giúp hình dung những điều cần nói trong một câu diễn đạt hoàn chỉnh. Có một sự thật là nếu khả năng diễn đạt câu của bạn trong tiếng mẹ đẻ càng tốt, tốc độ chuyển ngữ và tư duy trong một ngôn ngữ khác càng tốt. Sẽ có nhiều người khuyên bạn là không được suy nghĩ bằng tiếng mẹ đẻ mà phải suy nghĩ bằng tiếng Anh. Đối với người mới bắt đầu học, tiếng Việt họ còn chưa nghĩ ra và chưa biết nói thế nào thì làm sao có tiếng Anh? Ý chính xác của họ chỗ này là khi vốn từ và khả năng ngôn ngữ đã đủ nhiều, sẽ KHÔNG MẤT NHIỀU THỜI GIAN để chuyển ngữ và ghép câu một cách nhanh chóng trong đầu.
Phần này cần xây dựng cả câu hỏi và câu trả lời cho từng từ khóa, xoay quanh những từ hỏi cốt lõi 5W1H – What, where, when, why, who, how.
Đây là bước nền tảng dành cho những bạn mới bắt đầu. Giai đoạn sau các bạn đã biết cách đặt câu hỏi và lượng từ vựng kha khá rồi có thể bỏ qua bước này và chuyển luôn sang bước 4 – làm tất cả mọi thứ bằng tiếng Anh.
Ví dụ cho chủ đề giới thiệu bản thân:
- CONVERT – Chuyển hết tất cả những gì bạn đã xây dựng qua thành tiếng Anh, dạng viết. Ở bước này, bạn nên chuyển từ sơ đồ mindmap phía trên luôn.
Từ nào không biết bạn cứ việc tra. Bước này cũng giúp bạn tự tích lũy từ vựng và cách diễn đạt. Nguồn tra là đây:
- Từ điển bằng hình ảnh Oxford Picture Dictionary
- Google dịch
- Từ điển Việt-Anh
- Vận dụng vốn từ đã biết
Có từ vựng rồi, làm sao bạn ghép câu được? Hãy vận dụng hết tất cả vốn ngữ pháp và từ vựng trước giờ của bạn. Lưu ý: phải thực sự tự mình làm, tự mình tìm từ vựng, tự mình ghép câu. Không lười biếng quăng luôn một mớ vào Google dịch, nếu không bạn sẽ luôn ỷ lại, học một cách đối phó và sẽ không bao giờ tiến bộ. Đa phần chúng ta không tiến bộ là do trước đây theo phương pháp học theo câu/đoạn văn mẫu mà không tự mình sản xuất để hiểu được cách xây dựng từng chút một. Chính những điểm nhỏ nhỏ đó mới giúp bạn khám phá ra sự khác biệt giữa cách diễn đạt trong tiếng Việt và tiếng Anh. Hãy nhớ, chìa khóa của tiến bộ là TỰ XÂY, TỰ NGẪM, ĐỐI CHIẾU VÀ CHỈNH SỬA.
Bạn sẽ đạt được hiệu quả hơn nữa khi phát triển song song với lộ trình học Ngữ pháp – ghép câu như mình đã hướng dẫn, xem lại tại đây. Bước chuyển ngữ này cũng giúp bạn nhớ được từ vựng bạn kiếm được lâu hơn. Bởi vì thường chúng ta nhớ từ vựng theo chiều Anh-Việt. Chiều này chỉ giúp các bạn đọc hiểu văn bản. Khi nói, bạn cần chiều ngược lại, tức là bạn cần nhớ từ vựng mình đang muốn nói trong tiếng Anh là gì.
- CORRECT – Chỉnh sửa cho chính xác những gì bạn sản xuất. Một người bạn rành tiếng Anh hoặc Thầy/Cô đang hướng dẫn bạn là những người tốt nhất bạn có thể nhờ sự giúp đỡ. Ý nghĩa của “người đồng hành” chính là chỗ này. Họ sẽ góp ý cho bạn, chỉ dẫn để bạn hiểu được tại sao chỗ này như vậy chỗ kia như vậy. Nếu tự học, có một vài lựa chọn bạn có thể cân nhắc sau đây:
- Phần mềm Grammarly: đây là một dịch vụ có thu phí, áp dụng cho cả trình duyệt và văn bản, giúp bạn sửa những lỗi ngữ pháp trong câu văn. Trong phần mềm Microsoft Word cũng có chức năng này nhưng không chuyên biệt và chính xác hơn phần mềm này.
Link cài đặt: https://www.grammarly.com
- So sánh đối chiếu với những tài liệu tiếng Anh chuẩn mực: tra cứu chủ đề và đối chiếu nội dung tương tự trong các cuộc hội thoại của bộ sách nghe Tactics for Listening. Hoặc các giáo trình uy tín do các nhà xuất bản nổi tiếng phát hành – Oxford, Cambridge, Longman,…
- Google dịch: một số câu cơ bản đôi khi bạn tra google dịch sẽ cho ra kết quả chính xác (có dấu tích kiểm chứng bên cạnh kết quả), ví dụ như hình dưới:
Trong thời gian đầu, bạn cần một người chỉnh sửa giúp. Sau khi áp dụng song song lộ trình học Ngữ pháp – ghép câu bạn sẽ có khả năng nhận diện ra lỗi sai và tự sửa được cho mình.
- PRACTICE – Luyện tập những gì bạn đã được chỉnh sửa. Có hai hình thức cũng như mục tiêu luyện tập bạn cần phát triển đồng thời.
- Thứ nhất – độc thoại/thuyết trình – khả năng tự trình bày một bài nói về chủ đề. Ví dụ khi ai đó nói: Bạn có thể giới thiệu về bản thân được không? Bạn có thể nói liên tục một bài hoàn chỉnh, đầy đủ thông tin về cá nhân bằng những câu chính xác cả về phát âm và ngữ pháp. Thuyết trình và bày tỏ quan điểm về một chủ đề là một kỹ năng không thể thiếu. Luyện tập bước này còn giúp bạn tự tin thể hiện quan điểm của mình bằng tiếng mẹ đẻ, trong công việc và cuộc sống hàng ngày.
- Thứ hai – giao tiếp phản xạ – khả năng đặt câu hỏi và phản ứng nhanh chóng về chủ đề. Đây chính là mục tiêu chúng ta hướng tới nhiều nhất khi tương tác với người khác trong cuộc sống hàng ngày. Trước đây chúng ta chỉ được hướng dẫn tập trung vào việc trả lời, ít khi luyện đặt câu hỏi. Một phần văn hóa trong học tập của chúng ta cũng ít được chú trọng và khuyến khích đặt ra câu hỏi, nên nhiều bạn gặp khó khăn trong khi giao tiếp. Khi người khác hỏi thì trả lời được nhưng khi cần hỏi lại không biết hỏi như thế nào. Nhiều bạn nói rằng đặt câu hỏi thì khó hơn trả lời. Điều đó đúng khi bạn chưa luyện tập nó đủ nhiều như bạn luyện trả lời, thậm chí nó còn dễ hơn khi bạn đã biết cách. Hãy nhớ rằng, khi giao tiếp, nếu bạn không trả lời được nhiều, hãy hỏi nhiều. Đó chính là chìa khóa dẫn dắt một cuộc hội thoại dễ dàng và thành công.
PHẦN IV – CÁCH LUYỆN TẬP
- Luyện nói một mình. Trước tiên bạn có thể luyện tập một mình trước. Cuộc sống của người lớn thì nhiều mối lo và phân tâm. Nhưng hãy xếp lịch học ra riêng như mình hướng dẫn ở trên. Và để bản thân tập trung im lặng với những gì mình đang học thôi.
- Tắt hết tất cả các thứ gây xao nhãng như chuông điện thoại (nên úp hẳn màn hình xuống), tab Facebook, tab tin tức…, chỉ nên để lại tab duy nhất đó là trang tra cứu từ điển Anh-Anh, GG dịch, và trang từ điển Việt-Anh trên màn hình laptop. Đặt đồng hồ báo thức cho mỗi giờ học. Giữ cho tâm trí tập trung tối đa vào mục tiêu trước mắt. Nói cho nhuần nhuyễn chủ đề này, nói cho nhuần nhuyễn chủ đề này, liên tục nhắc bản thân như vậy và để ý tới tâm trí hay lơ đễnh và dễ bị cám dỗ của mình.
- Phần đặt câu hỏi bạn có thể thu âm lại trong điện thoại, và bật lên nghe rồi tự mình trả lời câu hỏi. Làm ngược lại với câu trả lời để bạn tập đặt câu hỏi.
- Một phương pháp hay nữa đó là đứng trước gương xem như đang nói với một người bạn.
- Để theo dõi sự tiến bộ và nâng cao độ hiệu quả, bạn nên thu âm lại những gì mình nói hoặc quay video để xem lại. Bạn cũng có thể gửi kết quả đó cho những người giỏi tiếng Anh, nhờ họ chữa cho bạn để hoàn thiện những lỗi sai còn mắc phải về phát âm và ngữ pháp.
- Tập làm sao cho tới được bước chỉ cần nhìn sơ đồ mindmap chứa các từ khóa và có thể nói liên tục về chủ đề là ổn. Bước cuối cùng là không nhìn gì cả, vừa nói vừa chuyển ý trong đầu – nghĩ tới đâu nói tới đó.
2. Luyện nói với người khác
- Tập luyện với bạn bè nếu họ cũng biết tiếng Anh, với Thầy/Cô hướng dẫn, với bạn bè nước ngoài,…
- Hoặc bạn cứ mạnh dạn đăng ký đi tham gia các câu lạc bộ ở các trung tâm Anh ngữ. Một số câu lạc bộ và các quán café có thực hành tiếng Anh cũng là một lựa chọn tốt.
- Bạn cũng có thể đi đến các địa điểm có nhiều người nước ngoài hay đi qua để bắt chuyện với họ, đem những gì mình đã luyện tập ra để trò chuyện và cọ xát thực tế, như vậy sẽ rất nhanh lên trình.
- Kết bạn với người nước ngoài trên Facebook cũng giúp bạn trao đổi được, nhưng chủ yếu là qua tin nhắn (dạng viết).
- Một cách khác nữa là rủ thêm một người bạn cùng học chung, cùng nhau tiến bộ, cọ xát, thực hành và trao đổi với nhau.
Chắc các bạn cũng nghe câu này đến phát ngấy rồi, nhưng nó lại là sự thực: PRACTICE MAKES PERFECT. Không có gì hay hơn là quen tay quen mắt, luyện tập đến mức lô hỏa thuần thanh, nói không mất nhiều thời gian suy nghĩ để ghép câu. Bởi vì bạn đã thực hành quá nhiều lần rồi – dĩ nhiên là THỰC HÀNH CÁI ĐÚNG.
Trên đây là 6 bước chi tiết trong lộ trình luyện nói, mình tóm tắt lại để bạn ghi nhớ:
BRAINSTORM – KEY WORDS – EXPRESS – CONVERT – CORRECT – PRACTICE
Tương ứng với tiếng Việt: ĐỘNG NÃO – TỪ KHÓA – DIỄN ĐẠT – CHUYỂN NGỮ – CHỈNH SỬA – LUYỆN TẬP. Đó là quy trình cốt lõi và bao quát, giúp bạn phát triển toàn diện và giải quyết được các vấn đề trong kỹ năng này triệt để.
PHẦN V – CÁC CÔNG CỤ HỖ TRỢ CẦN THIẾT
- Tập (khuyến khích mua tập A4)
- Trình bày từng chủ đề với bút xanh, bút đỏ, bút chì, bút highlight, thước kẻ cho dễ nhìn và sinh động. Bạn sẽ có hứng thú học hơn khi nhìn vào quyển tập, và nó cũng giúp khắc sâu những gì bạn đang học vào đầu hơn.
- Sách lấy từ vựng Oxford Picture Dictionary, từ vựng và mẫu câu: Tactics for Listening
- Từ điển Oxford Online, GG, GG dịch, từ điển Anh-Việt, Việt-Anh
- Điện thoại để thu âm và quay video
Hãy chuẩn bị cho mình đầy đủ nguyên liệu, thử nghiệm lộ trình này với bản thân để xem mức độ hiệu quả nhé. Chúc các bạn học tốt!