PHẦN I – LÀM SAO ĐỂ VIẾT TỐT?

Đây là một trong những kỹ năng theo nhiều bạn nhận xét khá là khó nhằn. Nó đòi hỏi người viết phải có:

  • Kiến thức nền đủ rộng,
  • Vốn từ dồi dào, và
  • Nền tảng ngữ pháp vững chắc.

Thiếu đi một trong ba yếu tố, một bài viết chắc chắn sẽ không truyền tải được trọn vẹn ý nghĩa và chính xác về mặt câu từ. Để là một cây viết tốt, cả trong tiếng Anh giao tiếp thông dụng lẫn tiếng Anh dùng cho công việc, chúng ta sẽ cần phải đầu tư:

  • Liên tục trau dồi kiến thức bằng cách nghe, đọc và tìm hiểu những nội dung liên quan đến mảng mình muốn phát triển. Đó có thể là các chủ đề giao tiếp thông dụng trong cuộc sống. Hoặc cũng có thể là nội dung trong công việc hàng ngày, những email trao đổi với sếp, đồng nghiệp, khách hàng. Ngoài ra, mở rộng kiến thức để am hiểu nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống cũng giúp chúng ta viết tốt hơn.
  • Tích lũy và mở rộng kho từ vựng để diễn đạt và triển khai ý dễ dàng. Thu gom những cụm từ người bản xứ hay sử dụng (collocations) theo chủ đề là một cách học rút ngắn thời gian, tiết kiệm công sức và tăng khả năng ghi nhớ từ.
  • Xây dựng hệ thống ngữ pháp vững chắc để có thể đối chiếu đúng sai. Để làm được điều này, bạn cần có sự trợ giúp của bên thứ ba. Đó có thể là Thầy/Cô trực tiếp hướng dẫn bạn. Đó cũng có thể là nhờ những nguồn tài liệu hay trang thực hành online ví dụ như trang hướng dẫn này của mình. Ngoài ra, có những phần mềm hỗ trợ bạn chỉnh sửa ngữ pháp như Grammarly https://www.grammarly.com/p. Nhưng một bản viết tốt hơn nên được chỉnh sửa bởi con người có chuyên môn. Hoặc bạn nâng cao trình độ đến mức tự chỉnh sửa được cho mình, điều này cũng sẽ tốt hơn cho tương lai của bạn sau này.

PHẦN II – CÁCH PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG VIẾT

  • Bắt đầu viết từ những chủ đề cơ bản nhất.
  • Trau dồi từ vựng theo từng chủ đề viết. Bạn có thể kết hợp với lộ trình học từ vựng theo danh sách chủ đề mình hướng dẫn trong bài viết này.
  • Tham gia viết cùng mình đều đặn với mỗi chủ đề được đưa ra trên website.
  • Phát triển song song với lộ trình học Ngữ pháp – Ghép câu. Vừa luyện viết vừa kiểm nghiệm lại câu văn của mình.
  • Kết hợp thực hành với kỹ năng Nói: Viết những gì muốn nói và Nói những gì viết ra. Lồng ghép kỹ năng này trong lộ trình phát triển kỹ năng Nói như mình hướng dẫn trong bài này.
  • Phát triển đồng thời cả dạng bài nói độc thoại về một chủ đề lẫn tạo ra cuộc hội thoại bao gồm cả câu hỏi.

***Tip: có một điểm lưu ý trong lộ trình phát triển theo phương pháp của mình. Đó là luyện tập tất cả các kỹ năng trong cùng một chủ đề. Ví dụ, chủ đề của chúng ta là Mô tả người. Vậy chúng ta sẽ nghe về mô tả người, học và tích lũy từ vựng về mô tả người, đọc những bài về mô tả người, viết bài mô tả người và thực hành nói những bài mô tả người. Có như vậy, mọi kỹ năng sẽ bổ trợ cho nhau và giúp bạn phát triển toàn diện.

PHẦN III – CÁC BƯỚC THỰC HÀNH LUYỆN VIẾT CÙNG MÌNH

Các bạn thử nhớ lại quy trình mình thiết kế sau đây dành cho kỹ năng Nói. Ở kỹ năng viết này, chúng ta cũng áp dụng nó tương tự.

  1. Lập bảng theo dõi phát triển kỹ năng viết theo chủ đề.

Tham khảo mẫu dưới đây:

  1. Động não lấy ý tưởng và các ý chính
  2. Triển khai ý thành câu hoàn chỉnh
  3. Tập viết câu tiếng Anh
  4. Chỉnh sửa
  5. Viết lại bài hoàn chỉnh
  6. Thực hành

PHẦN IV – MÌNH SẼ HỖ TRỢ BẠN NHƯ THẾ NÀO?

Trên website mình sẽ làm mẫu cho bạn trong từng khâu, đều đặn theo từng chủ đề, cụ thể:

  1. Lên danh sách chủ đề mẫu.
  2. Vạch ra các ý tưởng và dàn ý theo sơ đồ gợi ý.
  3. Viết câu tiếng Anh hoàn chỉnh và chuẩn về ngữ pháp.
  4. Viết thành bài nói độc thoại mẫu hoàn chỉnh và đoạn hội thoại tương ứng.

PHẦN KẾT

Bài này cũng kết thúc Series các bài viết định hướng lộ trình kèm cách luyện tập chung cho từng kỹ năng. Sau loạt bài này, mình sẽ xây dựng từng bài chi tiết cho chúng. Bạn có thể khám phá dần trong từng mục nhé.

Việc cần làm tiếp theo đó là bạn cần một quyển sổ ghi chép và tạo ra bảng theo dõi riêng cho từng kỹ năng của mình trước. Bạn có thể tham khảo mẫu dưới đây:

Với bảng này, bạn sẽ theo dõi được tổng quát từng khía cạnh trong tiếng Anh của mình phát triển như thế nào qua từng chủ đề. Còn điều gì vướng mắc, cần cải thiện và bạn đã đang đạt được mục đích tiến bộ như thế nào.

Vậy là bạn đã cầm được tấm bản đồ trên tay rồi. Bước tiếp theo, nếu bạn chưa tự tin bản thân có thể tự đi. Hãy đồng hành với mình, để mình dắt bạn từng bước một, khám phá, tích lũy và lấp đầy vốn tiếng Anh của bạn từ cốt lõi nhé. Let’s go!